image banner
Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đề án nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logictics, hồ chứa nước, đập thủy điện,... trong phạm vi 1 đơn vị hành chính cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm tinh gọn, giảm cấp trung gian; xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp xã vững mạnh, gần dân, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tổ chức chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu), Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã: Do bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã để hình thành các ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay; đồng thời chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện. Theo đó, Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).

Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) thì có thể không tổ chức Phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức Phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn.

Đối với trường hợp sắp xếp từ 02 ĐVHC cấp xã trở lên thành 01 ĐVHC cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã.

Định hướng tổ chức 04 Phòng và tương đương gồm: (1) Văn phòng HĐND và UBND (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của HĐND và UBND cấp xã); (2) Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); (3) Phòng Văn hóa - Xã hội; (4) Trung tâm phục vụ hành chính công.

Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, Đề án nêu rõ: Do quy mô ĐVHC cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay). Theo đó, Chính phủ dự kiến biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã theo định hướng như sau: Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới (sau sắp xếp). Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản theo đúng quy định. Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.

Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các ĐVHC cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/01 cấp xã). Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Huế, các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

Còn lại 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Trong đó có 19 tỉnh gồm: Tuyên Quang (hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang), Lào Cai (hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái), Thái Nguyên (hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên), Phú Thọ (hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình), Bắc Ninh (hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), Hưng Yên (hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình), Ninh Bình (hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định), Quảng Trị (hợp nhất tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị), Quảng Ngãi (hợp nhất tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi), Gia Lai (hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định), Khánh Hòa (hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa), Lâm Đồng (hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận), Đắk Lắk (hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên), Đồng Nai (hợp nhất tỉnh Đồng Nai và Bình Phước), Tây Ninh (hợp nhất tỉnh Tây Ninh và Long An), Vĩnh Long (hợp nhất tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh), Đồng Tháp (hợp nhất tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp), Cà Mau (hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau), An Giang (hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang).

4 thành phố gồm: Hải Phòng (hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng), thành phố Đà Nẵng (hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Thành phố Hồ Chí Minh (hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố Cần Thơ (hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang)./.

Nguồn: CTTDDTT, Nguyễn Thái (Tổng hợp)

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1